Mỗi năm có hàng nghìn vụ cháy nổ xảy ra do chập điện tại các hộ gia đình? Con số này thực sự đáng báo động! Để bảo vệ ngôi nhà và những người thân yêu, hãy cùng tìm hiểu những biện pháp phòng cháy khi sử dụng điện đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Kiểm tra và lắp đặt các thiết bị bảo vệ hệ thống điện trong nhà
Kiểm tra hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp đáp ứng được công suất của các thiết bị sử dụng điện.
Cần có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, các phòng hát Karaoke, …), cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện.
Kiểm tra các rủi ro và bảo dưỡng hệ thống điện
Kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, các điểm bất thường như (dây dẫn điện bị lão hóa, đổi màu, bong tróc, đứt gãy, lớp cách điện bị tổn hại tác động cơ học, hóa học hoặc bị biến dạng do sự phát nóng trong quá trình dẫn điện.
Dây dẫn điện có tiết diện nhỏ không phù hợp công suất, dây dẫn sử dụng thời gian dài không còn đảm bảo; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ như aptomat, cầu giao, cầu chì… hoạt động kém, không bình thường hoặc không hoạt động, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm.
Các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa, rỉ sét xảy ra hiện tượng phóng điện, rò điện; hệ thống tiếp địa bị hư hỏng; …) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế dây dẫn điện, trang thiết bị điện đảm bảo phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.
Hạn chế việc sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất cao
Không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm như bàn là, bếp đun nấu sử dụng điện, ấm đun nước, nồi, bếp nướng thực phẩm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm; khi không sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện.
Không sử dụng điện quá tải, khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải (tổng công suất, công suất thiết bị điện phải phù hợp với tiết diện dây dẫn điện, thiết bị đóng cắt bảo vệ).
Trường hợp dây dẫn điện có tiết diện không đảm bảo, thời gian sử dụng kéo dài, dây dẫn điện xuống cấp, chắp nối, cách điện không đảm bảo thì phải thực hiện thay thế dây dẫn điện có tiết diện, độ bền cách điện phù hợp với công suất các thiết bị điện sử dụng.
Một số biện pháp phòng cháy khác
- Bàn là, quạt sưởi, lò sưởi, bếp điện, … phải đặt trên vật liệu không cháy và đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy đồng thời khi sử dụng phải có người trông coi, giám sát.
- Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ (sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt như tủ điện, ổ cắm điện… tối thiểu 0,5m).
- Không sạc pin các thiết bị qua đêm mà không trong tầm kiểm soát như các loại xe điện, điện thoại, Ipad, laptop, …. Không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, Ipad, …vv.
- Kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng trước khi ra khỏi phòng, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện.
Việc đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong gia đình là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, sử dụng các thiết bị điện đúng cách,… chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc. Hãy biến việc phòng cháy, chữa cháy thành thói quen để bảo vệ ngôi nhà và những người thân yêu.