BHYT ở Thái Lan hình thành từ những năm 70 của thế kỷ XX với đối tượng ban đầu là người nghèo, cận nghèo và từng bước mở rộng tới các đối tượng khác. Năm 2001, Chính phủ Thái Lan chính thức có quy định về BHYT toàn dân và thực hiện thành công quy định này.
Hiện nay, hệ thống BHYT toàn dân tại Thái Lan gồm 03 chương trình khác nhau đã bao phủ tới 99,87% dân số:
– Chương trình BHYT dành cho công chức, viên chức (CSMBS) bao phủ 05 triệu công chức, viên chức, người nghỉ hưu và thân nhân của họ, tương đương với 7% dân số, nguồn quỹ được khoán từ ngân sách quốc gia. Người tham gia chương trình thanh toán theo phí dịch vụ đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán DRG đối với nội trú.
– Chương trình BHYT dành cho khối doanh nghiệp (SSS) bao phủ 11 triệu người lao động (17% dân số) với nguồn quỹ là đóng góp 4,5% từ lương, chia đều cho chủ sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ. Người tham gia chương trình thanh toán theo khoán định suất đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và DRG đối với nội trú.
– Chương trình BHYT toàn dân (UCS) dành cho toàn bộ dân số còn lại, do Cơ quan Bảo đảm y tế quốc gia (NHSO) quản lý. Hiện nay, bao phủ 49 triệu người (76% dân số) với nguồn quỹ trích từ ngân sách quốc gia, theo mức đề xuất của NHSO. Người tham gia chương trình thanh toán theo khoán định suất đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và DRG đối với nội trú.
Tại Thái Lan, mỗi công dân được Bộ Nội vụ cấp một mã định danh duy nhất gồm 13 ký tự ngay từ khi mới sinh; đồng thời, được sử dụng làm mã BHYT. Dữ liệu cá nhân được đồng bộ hóa hàng ngày giữa Bộ Nội vụ và cơ quan BHYT, giúp cho việc quản lý, giải quyết, chi trả dễ dàng, thuận lợi, chính xác và minh bạch. Việc thanh toán thông qua hai phương thức chi trả chính là khoán định suất và theo nhóm chẩn đoán DRG, áp dụng công nghệ thông tin, thuê chuyên gia giám định đã làm giảm áp lực về quản lý, nhân lực cho cơ quan thực hiện.
Với hơn 10 năm phát triển nhóm chẩn đoán DRG, sau 07 lần điều chỉnh, Thái Lan đã xây dựng được 2.450 quy trình chuẩn của các bệnh và nhóm bệnh làm căn cứ cho việc điều trị, thanh toán; tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch về quyền lợi giữa các nhóm đối tượng, đặc biệt là chương trình dành cho công chức, viên chức vẫn áp dụng phương thức thanh toán phí dịch vụ ngoại trú, do không kiểm soát được chi phí. Hiện có 13.551 bệnh viện, nhà cung cấp dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để thực hiện BHYT toàn dân tại Thái Lan, trong đó 92,27% là bệnh viện công.
Hầu hết các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại trú được thực hiện tại các trung tâm y tế (48%) và bệnh viện quận, huyện (36%); còn các dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hầu hết được thực hiện tại bệnh viện quận, huyện (48%) và bệnh viện đa khoa, khu vực (40%). Tỷ lệ tử vong là 2,82%, hầu hết do các bệnh truyền nhiễm và ung thư ở người cao tuổi.
Quản lý và cung ứng thuốc
Để quản lý giá thuốc và tránh tình trạng chi phí về thuốc tăng cao, ngoài việc áp dụng khoán định suất đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và nhóm chẩn đoán DRG đối với khám, chữa bệnh nội trú, Cơ quan Bảo đảm y tế quốc gia thành lập Ban Quản lý giá thuốc với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận thuốc cho người bệnh, bảo đảm thuốc chất lượng, hiệu quả, an toàn, sử dụng hợp lý; kiểm tra, giám sát, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa nhu cầu về sử dụng thuốc và kinh phí khám, chữa bệnh; tối đa hóa tác dụng thuốc phù hợp với giá trị thanh toán, trong đó tính tới giá thành, chi phí – hiệu quả và thời gian tiếp cận thuốc.
Do thực hiện khoán định suất trong khám, chữa bệnh ngoại trú, các bệnh viện thường không muốn sử dụng thuốc có chi phí cao, để người bệnh được tiếp cận đúng thuốc, Cơ quan Bảo đảm y tế quốc gia áp dụng việc mua sắm tập trung và cung cấp trực tiếp thuốc có chi phí cao cho bệnh viện. Hiện nay, Cơ quan Bảo đảm y tế quốc gia quản lý 96 mặt hàng thuốc (10 nhóm) bao gồm: Thuốc có chi phí lớn, thuốc điều trị HIV, thuốc phòng chống lao, thuốc tâm thần, thuốc tim mạch, thuốc chống độc… và một số vaccine (trong đó, nhóm thuốc điều trị HIV, nhóm thuốc có chi phí lớn chiếm 25% tổng chi phí thuốc BHYT). Toàn bộ quy trình quản lý thuốc chi phí cao được thực hiện qua hệ thống điện tử.
Phương thức mua sắm thuốc
Đấu thầu: Áp dụng cho thuốc thông thường, giá trị thấp, căn cứ giá tham chiếu của Bộ Y tế. Nhượng quyền bắt buộc (sử dụng sáng chế độc quyền không cần xin phép, sau đó thanh toán một mức nhất định cho nhà độc quyền) đối với thuốc chi phí cao cần thiết cho các loại bệnh có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Thông qua việc nhập khẩu thuốc song song.
Thương lượng giá: Bằng phương thức thương lượng với công ty sản xuất, kinh doanh để có được giá hợp lý nhất, Cơ quan Bảo đảm y tế quốc gia trực tiếp mua và cấp các thuốc này thông qua Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) theo quy trình sau: Đầu tiên, sử dụng phương thức phân tích ABC để tìm ra thuốc có chi phí lớn tại bệnh viện, đánh giá, dự báo nhu cầu và ảnh hưởng của thuốc; sau đó, tham khảo giá quốc tế, các chỉ số và tiêu chuẩn chi phí – hiệu quả để thực hiện thương lượng giá. Theo thống kê năm 2012, kết quả đạt được sau khi thương lượng giá là giá thuốc giảm 35%, giúp tiết kiệm được khoảng 06 tỷ bạt (tương đương 4.200 tỷ VND).
Hệ thống dữ liệu BHYT
Thuốc sử dụng tại cơ sở KCB khi cấp phát, chỉ định cho bệnh nhân đều được nhập thông tin và gửi trực tuyến lên NHSO. Trung tâm tiếp nhận và xử lý dữ liệu trung ương của NHSO sẽ phân tích và xử lý thông tin do cơ sở KCB gửi lên. Ngoài ra Trung tâm còn là nơi xử lý, tổng hợp, phân tích và đưa ra báo cáo về chi phí KCB, chi phí thuốc BHYT giúp NHSO quản lý được kiểm soát và quản lý tốt chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Tuy đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện BHYT toàn dân nhưng hệ thống BHYT Thái Lan vẫn còn nhiều thách thức trước mắt. Để thực hiện tốt hơn nữa các nghĩa vụ của mình, Thái Lan phải quản lý thích hợp hơn cơ sở khám chữa bệnh dày đặc tại Băng Cốc và khu vực lân cận nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả chăm sóc sức khỏe; tăng cường tiếp cận cho các nhóm đặc biệt như người tàn tật, bệnh nhân tâm thần và người già; đẩy mạnh công tác sàng lọc bệnh sớm như các bệnh cao huyết áp, thận, HIV… để giảm gánh nặng về y tế cho tương lai./.