Hôm nay là lễ tang và hỏa táng Cựu quốc vương Bhumibol Adulyadej. Trong lòng Bee vẫn vẹn nguyên cảm xúc của một năm về trước khi lần đầu chứng kiến sự đau xót của toàn thể nhân dân Thái Lan trước sự ra đi của vị vua đáng kính. Trong bài viết này, Bee xin được dịch lại một bài viết từ trang Big Chilli để giúp các bạn hiểu rõ hơn về cuộc đời và những cống hiến của Cựu quốc vương Bhumibol – vị Phật sống trong lòng người dân Thái Lan.
Hiếm có vị vua nào trong lịch sử trị vì lại làm được những điều vĩ đại để cải thiện phúc lợi của người dân như Vua Bhumibol Adulyadej, hay còn được gọi là vua Rama IX. Ngài đã khởi xướng hàng ngàn dự án phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và con người Thái Lan.
“Chúng Ta Sẽ Cai Trị Với Sự Công Bình Vì Lợi Ích Và Hạnh Phúc Của Người Siam” (Tên Gọi Cũ Của Thái Lan)
Tuyên ngôn này được Đức vua phát biểu tại lễ đăng quang năm 1946 , cũng là tuyên ngôn đầu tiên của Ngài trong đại nghiệp cải thiện và phát triển đời sống cho tất cả thần dân. Trong suốt hơn 70 năm trị vì, Ngài đã hoàn thành được lời hứa này.
Động lực làm việc của đức vua Bhumibol được khơi nguồn cảm hứng từ tấm gương của cha mẹ, hoàng tử Mahibol và công chúa Songkla. Mặc dù ông trải qua phần lớn tuổi thơ ở phương Tây, ông luôn được dạy phải nhận thức và ghi nhớ gốc rễ cội nguồn của mình. Tinh thần này đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự hiểu biết sâu sắc về xã hội Thái Lan của ông.
Trong thời kỳ đầu, nhà vua cùng Hoàng hậu Sirikit và các thành viên Hoàng gia dành nhiều thời gian đi thăm các khu vực nông thôn trên khắp đất nước, tìm hiểu điều kiện sống, các vấn đề xã hội và lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Sau đó, ông bắt đầu thiết lập các dự án để giải quyết khó khăn và cải thiện tình trạng của họ. Hình ảnh một vị vua bình dị không quản ngại đường khó, ngồi bệt xuống đất hay đứng trò chuyện thân mật cùng nhân dân đã trở thành hình ảnh gây xúc động và khắc sâu trong lòng tất cả người dân Thái Lan.
Đối với vua Bhumibol Adulyadej, vấn đề của người dân cũng là vấn đề của ông. Ông không bao giờ ngừng phấn đấu để cải thiện cuộc sống nhân dân tốt hơn. Đó là lý do vì sao dân chúng tuyên bố Vua của họ là “Người cha của dân tộc”. Cũng chính nhờ ông mà chế độ quân chủ đã trở thành một thể chế vững chắc, chiếm giữ vị trí quan trọng trong lòng người dân Thái Lan.
Dự Án Hoàng Gia Vì Sự Phát Triển Của Cộng Đồng
Các Dự án Phát triển Hoàng gia (RDPs) được lên ý tưởng từ những chuyến vi hành thực tế của Nhà vua về các vùng nông thôn. Ông nhận ra rằng bất kỳ dự án nào thực sự cải thiện cuộc sống của người dân đều phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Sáng kiến đầu tiên để giúp đỡ người dân được bắt đầu vào năm 1951 khi ông cho phép Bộ Thuỷ sản mua cá Tilapia mosambica từ Penang, thông qua Tổ chức Nông Lương LHQ. Cá ban đầu được nuôi trong ao ở Biệt thự Ambarra – Cung điện Dusit ở Bangkok. Ngày 7/11/1953, nhà vua phân phát giống cho các trưởng thôn và huyện trong cả nước để tuyên truyền và phân phát cho người dân nông thôn, từ đó cung cấp cho họ được một nguồn protein thay thế.
RDP đầu tiên nhấn mạnh trực tiếp đến phát triển nông thôn được triển khai vào năm 1952 khi nhà vua tặng một số xe ủi đất cho đơn vị cảnh sát tuần tra biên giới Naresuan để xây dựng một con đường dẫn đến làng Huai Mongkol thuộc quận Hua Hin, tỉnh Prachuap Khiri Khan. Điều này đã giúp người dân dễ dàng đi lại và vận chuyển sản phẩm để bán ở các chợ ngoài làng.
Trước khi đưa ra bất kỳ dự án nào, vua Bhumibol luôn đích thân đi khảo sát thực tế, nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu, trò chuyện với nhân dân địa phương. Sau đó, ông tham vấn với các quan chức và các nhà nghiên cứu trước khi đề xuất sáng kiến cho chính phủ.
Các dự án phát triển của Hoàng gia đã mang lại những lợi ích và sự đổi mới đáng kể không chỉ cho nhân dân Thái Lan mà còn đối với toàn thế giới. Một số dự án và công trình quan trọng nhất phải kể đến như: công trình xử lý nước thải “Chai Pattana”, kỹ thuật gieo hạt kiểu mới, làm đường, đào kênh rạch trữ và điều tiết nước. Đặc biệt là sáng chế “mưa nhân tạo” – “gieo” mây để tạo mưa – do tự ông nghiên cứu và thực hiện đã góp phần rất lớn cải thiện nông nghiệp các vùng hạn hán, đồng thời gây được tiếng vang và nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ông cũng là vị vua duy nhất được nhận bằng sáng chế cho nhiều công trình và dự án ứng dụng cao vào nông nghiệp.
Tầm Nhìn Vì Một Thế Giới Bền Vững
Một trong những thành tựu không thể không nhắc đến của vua Bhumibol Adulyadej đó là triết lý “Kinh tế đủ dùng” (Sufficiency Economy philosophy), khuyến khích tất cả mọi người đạt đến một trạng thái “cảm thấy đủ”, tự cung tự cấp và sống hài hòa với thiên nhiên.Theo đó, triết lý này có thể được áp dụng ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Triết lý cho rằng mỗi cá nhân phải có tinh thần làm việc hằng ngày, cố gắng sống một cuộc sống vui vẻ và vừa phải. Học thuyết được vua Bhumibol giới thiệu lần đầu vào năm 1974, tuy nhiên không nhận được sự hưởng ứng do Thái Lan lúc này vẫn là một quốc gia đang phát triển. Chỉ tới khi xảy ra khủng hoảng tài năm 1997, mọi người mới bắt đầu nhìn lại và ghi nhận tầm quan trọng của học thuyết này. Giờ đây, học thuyết suffiency economy của Đức vua Bhumibol đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi, không chỉ ở Thái Lan mà còn nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới như Afghanistan Bangladesh, Bhutan, Chile, Germany, Israel, Lào, Lesotho and Indonesia.
Sứ Mệnh Của Một Vị Vua
Vua Bhumibol còn được ca ngợi là một vị vua vĩ đại, cống hiến và làm việc không mệt mỏi để cải thiện đời sống cho nhân dân Thái Lan và nhân loại. Bằng chứng là ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá, cũng như bằng sáng chế khoa học trong suốt quá trình trị vì của mình.
Cựu tổng thư kí LHQ, ông Kofi Annan từng phát biểu trong lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của nhà vua rằng: “Vua Bhumibol đã có những cống hiến tuyệt vời cho sự phát triển của nhân loại. Trên cương vị là một vị “Vua Phát triển”, Đức vua của các bạn đã tiếp cận những người nghèo nhất và khó khăn nhất ở Thái Lan, bất kể địa vị, sắc tộc hay tôn giáo của họ, để lắng nghe những vấn đề của họ và giúp họ có khả năng tự quyết định tương lại của mình.
Các dự án phát triển nông thôn của Đức vua đã đi đầu trong việc đổi mới và đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên khắp Thái Lan. Góp phần thúc đẩy nông nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ canh tác phù hợp, sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên và giảm tình trạng ngập lụt.
Là một nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược, Đức vua đã đóng một vai trò to lớn trong việc định hình đối thoại phát triển toàn cầu. Triết lý “Kinh tế Tự túc” của Đức vua có ý nghĩa quan trọng trên toàn thế giới trong thời kỳ toàn cầu hoá nhanh chóng này. Nó củng cố nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy con đường phát triển bền vững và lấy con người làm trung tâm.”
Với những cống hiến to lớn như vậy, vua Bhumibol Adulyadej không những trở thành tượng đài niềm tin đối với người dân mà còn củng cố thêm vị thế của Hoàng gia Thái. Đó là lý do vì sao khi tới Thái Lan, bạn có thể bắt gặp chân dung Đức vua ở khắp mọi nơi, từ những ngôi nhà, đền chùa, cho đến các văn phòng hay các tòa nhà , các trung tâm ở Thái Lan. Thậm chí ngay cả ở những vùng sâu, vùng xa, trong các bản làng của người Hmong, Karen, Mon, Shan và các dân tộc thiểu số khác dọc theo biên giới. Dù Ngài ra đi nhưng hình ảnh của một Đức vua anh minh, vị nhân sinh luôn trường tồn cùng đất nước Thái Lan.
(Nguồn: https://beefuntrip.com)