Trung Quốc đã xây dựng cho mình một hệ thống công nghiệp phụ trợ cùng với việc quy hoạch từng cụm + vùng kinh tế tập trung. Những điều kiện này đã khiến cho đất nước này dẫn đầu trong việc sản xuất hiệu quả với công suất lớn và giá thành rẻ, đây là điều thực sự không thể đánh bại trong nhiều năm tới. Ở Việt Nam người tiêu dùng hẳn không còn quá xa lạ với cụm từ hàng hóa Made in China, nhiều người có tâm lý e ngại với những hàng hóa được gắn mác này. Tuy nhiên liệu có phải hàng hóa “made in China” thì sẽ là hàng Trung Quốc chính hãng hay không. Cùng tìm hiểu để tránh mua hàng nhầm nhé.
1. Tại sao sản phẩm Made in China vẫn là lựa chọn hàng đầu của người kinh doanh?
Các bạn từng nghe Samsung/ Apple /Foxcom,… dời nhà máy của họ về Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia,… Tuy nhiên đấy là bài toán của các “ông lớn”, các công ty tỷ đô chứ đối với các doanh nghiệp SME, kinh doanh nhỏ thì việc đặt sản xuất OEM (Original Equipment Manufacture – sản xuất thiết bị gốc) hàng hóa Made in China là điều tối ưu nhất hiện tại.
Ngoại trừ một số sản phẩm chất lượng trung bình, dễ sản xuất, không yêu cầu công nghệ quá cao thì có thể sản xuất tại Việt Nam (Made in Việt Nam). Như một số sản phẩm nhựa hoặc các sản phẩm quần áo, giày dép nhập a-z từ nguyên phụ liệu (Việt Nam chỉ là nơi gia công), thì hầu hết các sản phẩm khác như ngành gia dụng, điện gia dụng và trăm nghìn sản phẩm khác đa phần vẫn là Made in China.
2. Vậy ở Việt Nam có các kiểu sản phẩm Made in China nào?
Không phải hàng hóa nào Made in China cũng đều là sản phẩm của Trung Quốc, người dùng cần phân biệt rõ khái niệm này để có cách tiêu dùng hàng hóa phù hợp nhất.
Made in China nhập biên tiểu ngạch
Loại này có lẽ gần gũi nhất. Hiểu đơn giản là 99% nhà kinh doanh đang đánh hàng Trung Quốc, 1688, Tao Bao,… và bán trên Facebook, sàn TMĐT đều đang làm thông qua kênh này. Đặc điểm chung là không giấy tờ hoặc có giấy tờ “dỏm”, nếu bị kiểm tra thì coi như bỏ. Hình thức này chỉ phù hợp kinh doanh nhỏ lẻ trong giai đoạn đầu.
Made in China nhập khẩu chính ngạch nguyên tem mác Trung Quốc
Loại này thường được các nhà bán nhập hàng Trung Quốc số lượng lớn, nhập khẩu chính ngạch qua đường bộ cũng như đường biển.
Các mặt hàng nhập thường là nguyên liệu sản xuất, ví dụ như thương hiệu trà sữa Dingtea một tháng sẽ cần nhập khoảng 20 container đủ loại từ sữa, trà, trân châu,… Hình thức này phù hợp với các nhà buôn lớn, các doanh nghiệp phân phối,… Giá trị chính đem lại là phần thủ tục xuất nhập khẩu.
Made in China nhập khẩu phân phối làm thương hiệu Trung Quốc
Những cái tên quen thuộc của hình thức này phải kể đến Xiaomi, Anker, Intex,… Thường sẽ có một công ty chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối + làm thương hiệu + bảo hành + hậu mãi. Đặc điểm là chuẩn bền vững, làm lâu dài thoải mái. Nếu làm được với các thương hiệu xịn Trung Quốc thì sẽ phát triển rất nhanh.
Mọi người có thể nghiên cứu các thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc rồi thương thảo làm ở Việt Nam. Hiện đã có khá nhiều team kinh doanh phụ kiện đồ công nghệ đang làm theo hướng này.
Made in China OEM Private label + 100% Việt Nam nhưng Truyền thông là nhãn Quốc tế
Một số thương hiệu tiêu biểu: Kangaroo Úc, Đèn sưởi Hans CHLB Đức và các công ty con HEIZEN – KOTTMANN đều 100% OEM Trung Quốc, 99% các sản phẩm bếp từ Germany với các thương hiệu Napoliz, Chefs cũng tương tự vậy.
Các thương hiệu này thường lập công ty bên nước ngoài như Đức, Pháp, Hàn,… có công ty còn chẳng có gì liên quan đến nước ngoài. Chỉ nhìn catalog các sản phẩm của các xưởng bên Trung Quốc rồi đặt OEM về Việt Nam, tem nhãn vẫn Made in China nhưng cờ Đức/ Pháp/ Hàn/ Úc đầy trên bao bì khiến nhiều khách hàng tưởng nhầm hàng ngoại quốc. Cái này vẫn không gặp vấn đề gì về luật, nhưng có chút “trí trá” khi kinh doanh.
Made in China OEM Private label +100% Việt Nam truyền thông thương hiệu Việt Nam
Hình thức này thì hàng Trung Quốc nói là hàng Trung Quốc, tôi chỉ nhập khẩu làm thương hiệu có kiểm định và kiểm soát chất lượng đầy đủ. Vì không mang danh là sản phẩm từ Châu Âu hay Nhật, Hàn,… nên thường phát triển chậm hơn so với hình thức trên. Một số team chất thì có thể đi lên từ việc R&D (Research & Development), nghiên cứu, thiết kế sản phẩm rồi làm thương hiệu bài bản, sau đó đặt OEM Trung Quốc. Ví dụ hay nhất là hãng đồng hồ Curnon sang chảnh nhưng cũng 100% Made in China.
Làm theo hướng này có thể bắt đầu từ việc xây dựng 1 thương hiệu rồi sau đó tìm các nhà máy sản xuất chất lượng, tìm các sản phẩm chất lượng để addline sản phẩm. Làm ăn đúng luật, mỗi năm tham gia hội chợ thêm vài sản phẩm, tiến tới R&D nghiên cứu các sản phẩm với mẫu mã thiết kế độc quyền là chuẩn. Ghi trên bao bì và cài đặt sẵn câu trả lời trên chatbot rằng sản phẩm Made in China, sản xuất tại Trung Quốc với các nhà máy chất lượng,…
Made in China OEM International Private Label xịn
Ví dụ như Lock & Lock, Hafale, Samsung, Panasonic,… Loại này thì không cần nói nhiều, hàng Trung Quốc chất lượng tiêu chuẩn thế giới. Các công ty lớn sẽ có đầy đủ team R&D nghiên cứu sản phẩm mới, thiết kế sản phẩm, thiết kế mẫu mã có bản quyền và đặt sản xuất tại Trung Quốc theo tiêu chuẩn của họ.
Lock & Lock có 5000 – 7000 mã hàng, họ cũng không làm hết R&D từng sản phẩm được. Họ vẫn làm các sản phẩm bên Trung Quốc, nhất là hàng điện tử gia dụng, thiết kế kiểu dáng Trung Quốc tuy nhiên 100% các sản phẩm đều tuân thủ kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt. Mình đã từng nhìn thấy nhiều sản phẩm Grade B (hàng lỗi) của Lock & Lock mà đẹp ko tì vết. Nhiều sản phẩm như máy ép chậm Lock & Lock và Sunhouse có kiểu dáng giống hệt nhau vì họ cùng đặt gia công OEM cùng nhà máy bên Trung Quốc (kiểu dáng này không đơn vị nào độc quyền cả). Tuy nhiên giá khác nhau do tiêu chí kiểm tra chất lượng khác nhau cũng như chính sách bán hàng khác nhau. Hình thức này thì chúng ta không thể làm gì cả, chỉ có chờ giảm giá rồi mua.
Made in USA, Germany, France từ công nghệ Made in China
Đại loại có các sản phẩm Trung Quốc nữa được sản xuất tại Mỹ, Châu Âu nhưng 100% công nghệ được dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước tiên tiến. Các sản phẩm thường tốn ít nhân công, máy móc tạo ra được nhiều sản phẩm ví dụ như các sản phẩm nhựa, slicon, thực phẩm chức năng.
Đi hội chợ Thượng Hải, Hongkong thì bên Trung Quốc làm hình thức này rất nhiều. Thương hiệu, hình ảnh chuẩn chỉnh, tất nhiên kiểm định chất lượng cũng đều đạt theo tiêu chuẩn Mỹ hay Châu Âu. Mấy sản phẩm này chủ yếu để bán ở thị trường Trung Quốc là chính, nhưng mình có thể dễ dàng làm phân phối độc quyền ở Việt Nam.
Mọi người có thể nghiên cứu các hình thức thứ 3, 5, 7 để làm ăn lâu dài. Sản phẩm Made in China thì cứ ghi rõ như vậy, đừng mập mờ hay đội lốt hàng Việt, hàng Châu Âu,… khi sự thật thì không như vậy.