Nhắc đến Thái Lan, người ta nghĩ ngay đến công nghiệp xe ôtô – ngành công nghiệp chế tạo hàng đầu của nước này. Hiện nay, Thái Lan là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) và đang hướng đến top 10 toàn cầu.
Gần một nửa các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô lớn nhất thế giới đã đặt nhà máy tại đây như Ford, General Motors, BMW, Daimler Chrysler, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Isuzu, Nissan, Honda, Yamaha và Suzuki. Từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp cách đây hơn 50 năm, Thái Lan đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt của thế giới.
Trước năm 1960, công nghiệp Thái Lan khá manh mún, chủ yếu là các xí nghiệp tư nhân nhỏ và một số công ty quốc doanh cỡ vừa. Thế nhưng, sau năm 1960, Thái Lan đã thay đổi về tầm nhìn lẫn chính sách tăng trưởng. Nước này chuyển sang đầu tư nhiều vốn và kỹ thuật cao thay cho lao động giá rẻ. Họ không sử dụng chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu nữa, mà hướng đến xuất khẩu.
Do có chính sách đầu tư cởi mở, Thái Lan đã thu hút nhiều tập đoàn nước ngoài. Họ được phép sở hữu đất để xây dựng nhà máy và được cung cấp cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Quốc gia này còn xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ hoàn thiện. Khi công nghiệp phụ trợ nội địa được mở rộng, nhiều hoạt động sản xuất khác cũng phát triển theo.
Chiếc ôtô đầu tiên lăn bánh trên đường phố Thái Lan từ khoảng những năm 1900 nhờ hoàng tộc đất nước này nhập khẩu. Những năm 70-80, Chính phủ Thái Lan ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp lắp ráp nội địa như tăng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc CBU (Complete Build-up Unit) lên 150% hay cấm nhập khẩu CBU năm 1978. Điều này khiến các công ty sản xuất phụ tùng nội địa tăng mạnh đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những bộ phận đơn giản như hệ thống phanh, bộ tản nhiệt, kính,…
Đến những năm 1990, các rào cản thị trường được xóa bỏ, thị trường ôtô Thái Lan bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn. Lệnh cấm nhập khẩu xe hơi dung tích nhỏ được dỡ bỏ năm 1991 khiến xe nhập khẩu Hàn Quốc tăng mạnh. Sau thời kỳ khủng hoảng năm 1997, Thái Lan ban hành những quy định nới lỏng như nhà sản xuất nước ngoài không cần phải liên doanh với đối tác nội địa khi vào đất nước này, ưu ái lớn cho sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu hay cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống chỉ còn 20%.
Kể từ đây, công nghiệp ôtô Thái Lan bắt đầu bứt phá. Tính đến cuối năm 2011, các nhà cung cấp phụ tùng nội địa đã chiếm số lượng lớn nhất với 1.700 công ty so với 16 công ty nước ngoài. Nhờ đó, tỉ lệ nội địa hóa ngành xe hơi đã lên tới 70-80%. Từ năm 2012, Thái Lan trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á. Nhìn chung, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan phát triển qua 5 giai đoạn chính gồm:
Giai đoạn thứ nhất tập trung vào việc sửa chữa đơn thuần những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài CBU.
iai đoạn thứ hai chuyển sang lắp ráp thành phẩm từ những linh phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài CKD (Completely Knocked Down).
Giai đoạn thứ ba: nền công nghiệp chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng, tập trung vào những thiết bị gốc có giá trị gia tăng thấp.
Giai đoạn thứ tư: Vẫn tiếp tục nội địa hóa khâu sản xuất phụ tùng, nhưng đã chuyển sang sản xuất những thiết bị gốc có giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn cuối cùng: Tập trung vào hoạt động R&D (phát triển và thiết kế sản phẩm), với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp ôtô của khu vực.
Như vậy, trong vòng hơn 60 năm, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan từ chỗ vừa manh nha hình thành đến nay đã vươn lên vị trí số 1 ASEAN với gần 2 triệu xe mỗi năm và lớn thứ 12 trên thế giới. Nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới đều dựa vào các nhà máy và nhân công ở Thái Lan để tạo động lực cho sản xuất trong khu vực của mình.
Quốc gia này cũng là một trong những thị trường tiêu thụ xe bán tải lớn nhất thế giới với doanh số xe bán tải chiếm hơn 50% tổng doanh số bán xe hơi nội địa. Dù đứng sau Mỹ nhưng tính doanh số bán xe bán tải bình quân đầu người lại đứng số 1 thế giới. Sau khi đóng cửa chuỗi nhà máy sản xuất ôtô tại Australia vào cuối năm 2017, nhà sản xuất ôtô hàng đầu Nhật Bản Toyota đã chọn Thái Lan làm trung tâm sản xuất xe dòng xe ôtô thân thiện môi trường và đây sẽ là dự án có số vốn đầu tư cao nhất trong vòng 50 năm qua của Toyota.
Trước đó, Toyota đã mua lại Daihatsu để lập ra một bộ phận sản xuất ôtô cho thị trường mới nổi với tham vọng xa hơn là hướng đến thị trường toàn cầu.
Không chỉ công nghiệp ôtô, ngành công nghiệp điện tử của Thái Lan cũng rất phát triển. Nước này hiện là nhà sản xuất ổ cứng lớn thứ hai thế giới, cung cấp tới 40% sản lượng cho thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2011 tại Thái Lan đã khiến nguồn cung các thiết bị, phụ tùng hàng điện tử và xe hơi cho thế giới bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Điều này cho thấy ngành công nghiệp Thái Lan đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Nguồn: https://baomoi.com)