Đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng 20 năm tới, Thái Lan sẽ phải đào tạo 13 triệu lao động tay nghề cao. Và quốc gia này quyết hoàn thành Thái Lan 4.0.
Năm 2016, GDP bình quân đầu người của Thái Lan đạt 5.907 USD, xếp vào hàng các quốc gia thu nhập trung bình, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Bất chấp việc được đánh giá là một trong những nền kinh tế mạnh của khu vực, Thái Lan đã nhiều năm vùng vẫy trong “bẫy thu nhập trung bình”. Đó hẳn không phải là điều lãnh đạo Thái Lan mong muốn.
“Muốn thu hút đầu tư, tận dụng chất xám thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho người giỏi tham gia”.
Bà Duangjai Asawachintachit (lãnh đạo Ủy ban Đầu tư Thái Lan)
“Thái Lan 4.0”
Từ những nhận thức mơ hồ ban đầu, ngày càng nhiều doanh nghiệp Thái Lan hiểu rõ họ đang ở đâu trên con đường vươn tới mục tiêu nền kinh tế 4.0.
Ở mô hình “Thái Lan 1.0”, trọng tâm đặt vào lĩnh vực nông nghiệp. Bước sang mô hình “Thái Lan 2.0” – đòn bẩy đã giúp quốc gia này từ nền kinh tế thu nhập thấp trở thành thu nhập trung bình, động lực nằm ở các ngành công nghiệp nhẹ.
Để đảm bảo sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, Thái Lan tập trung vào công nghiệp nặng, đó chính là mô hình 3.0.
Vậy Thái Lan 4.0 sẽ trông như thế nào?
Đó sẽ là thứ tạo ra “nền kinh tế dựa trên giá trị”, là giải pháp cho thực trạng chênh lệch, mất cân bằng giữa môi trường và xã hội.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha giải thích mô hình Thái Lan 4.0 sẽ có ba thành tố cũng đồng thời là mục tiêu chính sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế của đất nước.
Thái Lan sẽ là đất nước hội tụ của những ngành công nghiệp thông minh, những thành phố thông minh và những công dân giỏi việc.
Thứ nhất, trở thành một nước có thu nhập cao thông qua việc tiếp tục phát triển từ hiện tại thành nền kinh tế tri thức với trọng tâm đặt vào nghiên cứu, sự sáng tạo, khoa học kỹ thuật và cải tiến.
Thứ hai, hướng tới một “xã hội hòa nhập”, nơi tất cả thành quả từ sự phát triển và thịnh vượng của đất nước được tiếp cận một cách công bằng bởi tất cả người dân.
Cuối cùng, phát triển và tăng trưởng bền vững với tôn chỉ bảo vệ môi trường.
Những mục tiêu này nghe có vẻ vĩ mô và xa vời, nhưng khi bắt đầu thực hiện, chúng trở nên hết sức gần gũi. Điển hình như muốn trở thành nước thu nhập cao, trước hết phải đào tạo lao động cho giỏi.
Số lượng hay chất lượng?
Theo Báo cáo phát triển con người 2016 của Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ lao động có tay nghề của Thái Lan chỉ chiếm 14,4% tổng số lực lượng lao động cả nước.
Con số này khiến người Thái cảm thấy xấu hổ khi đem ra so sánh với các quốc gia có nền kinh tế 4.0 như Phần Lan, Singapore hay Thụy Điển – những nơi tỉ lệ lao động tay nghề cao chiếm 45-50% lực lượng.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy những ngành được xác định là mũi nhọn trong tham vọng Thái Lan 4.0 như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chế biến thực phẩm, chế tạo ôtô, logistics… đang thiếu lao động có tay nghề nghiêm trọng.
“Thách thức đặt ra là phải làm thế nào để thu hẹp khoảng trống đó càng sớm càng tốt. Nhiều quốc gia đã gặp vấn đề tương tự nhưng họ cũng thành công trong việc vượt qua nó” – tiến sĩ Kiatanantha Lounkaew, giảng viên kinh tế thuộc Đại học Thammasat, đặt vấn đề trong hội thảo mang tên “Tái thiết kế Thái Lan” ngày 18-1.
Vậy khoảng cách giữa Thái Lan hiện tại và Thái Lan 4.0 là bao nhiêu? – 12,81 triệu lao động tay nghề cao, theo tính toán của tiến sĩ Kiatanantha.
“Nhưng vấn đề ở đây không phải là số lượng, mà quan trọng hơn cả là chất lượng.
Một số trường cao đẳng nghề có liên kết chặt chẽ với các công ty tư nhân, giúp học viên được đào tạo và thực hành ngay tại nhà máy. Thái Lan phải nhân rộng mô hình này ra toàn quốc” – tiến sĩ Kiatanantha đề xuất.
Các chuyên gia nước ngoài có thể giúp Thái Lan giải quyết vấn đề trước mắt, ở một mức độ nhất định. Nhưng sẽ là điều vô nghĩa nếu họ chỉ đến làm việc, hưởng tiền và không truyền thụ lại kinh nghiệm cho lao động bản xứ. Và để biến nó thành điều có ý nghĩa, cách đây năm ngày, Thái Lan đã cho phép người nước ngoài có thể ở đến bốn năm sau khi xin thị thực đặc biệt.
Một ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2017 đã cảnh báo 56% lực lượng lao động tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam “có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ và máy móc trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới”.
Trong khi không thể đảo ngược cách mạng công nghiệp 4.0 hay thủ tiêu hoàn toàn vai trò của robot, cách tốt nhất để làm chậm sự trỗi dậy của máy móc là đầu tư vào con người, báo The Nation của Thái Lan chốt vấn đề.