Theo báo cáo của WIPO, Việt Nam đứng đầu hai năm liền về chi tiêu cho giáo dục trong số các nước ASEAN.
Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018 (GII) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 7 vừa qua ghi nhận Việt Nam xếp vị trí 45/126 quốc gia, tăng hai bậc so với năm ngoái. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam.
Báo cáo GII 2018 chỉ ra một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được thứ hạng cao là sự đầu tư cho giáo dục. Trong hai năm 2017 và 2018, Việt Nam đứng đầu về chi tiêu cho giáo dục trong số các nước ASEAN. Chi tiêu cho giáo dục tính theo GDP đạt 5,7%, xếp thứ 29/126 nước.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là thành công bước đầu của toàn ngành sau khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được ban hành và triển khai rộng rãi.
Sự đầu tư cho giáo dục không chỉ thể hiện ở việc đẩy mạnh chi tiêu chung mà còn thể hiện qua hoạt động đào tạo nguồn nhân lực gắn liền với nghiên cứu khoa học. Sau hơn bốn năm thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục của Nghị quyết 29, số lượng và chất lượng nhà khoa học đều tăng.
Cụ thể, từ năm 2012 tới 2017, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14,4% lên 21,8%, giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 47% lên 59,4%.
Thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học cũng được cải thiện. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2010, trong 56.000 cán bộ giảng dạy ở các đại học, cao đẳng, chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (3%) tham gia nghiên cứu, trong đó có rất ít giảng viên trẻ. Đến năm 2016, các đại học đã đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực khoa học công nghệ trong cả nước. Và tính đến năm 2017, có 945 nhóm nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học.
Số lượng các công bố, đặc biệt là công bố quốc tế và trích dẫn tăng mạnh, giúp cải thiện vị thế của các đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo GS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2013, tổng công bố quốc tế của Việt Nam chỉ ở mức hơn 2.300 bài. Từ năm 2017 đến tháng 6/2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 đại học hàng đầu, con số này đã lên tới hơn 10.500 bài, bằng tất cả công bố trên toàn quốc giai đoạn 2011-2015.
Trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS World, có hai đại học Việt Nam vào top 1.000 trường tốt nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM. Kết quả bảng xếp hạng QS Asia 2019 vừa công bố hôm 23/10 cũng cho thấy Việt Nam có bảy trường nằm trong top 505 đại học hàng đầu châu Á.