Chi phí đắt đỏ là một rào cản khá lớn đối với những bạn có ý định du học và gia đình không có điều kiện. Vì vậy một trong những giải pháp các bạn nghĩ tới đầu tiên đó là ‘săn học bổng’. Tuy nhiên số lượng học sinh sinh viên mong muốn du học ngày càng tăng cao nên việc ‘săn học bổng’ càng ngày càng cạnh tranh. Nhằm giúp các bạn đạt tỉ lệ cao hơn trong việc giành học bổng thành công, mình sẽ chia sẻ 5 lý do phổ biến các học sinh không xin được học bổng để các bạn có thể cải thiện nếu chẳng may mắc 1 trong 5 lý do này nhé.
1. Không đủ điều kiện xin học bổng
Mỗi loại học bổng khác nhau sẽ có những quy định khác nhau về điều kiện. Kết quả học tập tốt thường được đòi hỏi trong các chương trình học bổng, nhưng ngoài ra còn có hàng loạt những điều kiện khác cần đáp ứng. Do đó khi tìm học bổng, ứng viên cần kiểm tra xem mình có đáp ứng được mọi yêu cầu của nhà trường hay không.
2. Bài luận không được đánh giá cao
Theo chia sẻ từ USIS Education, bài luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà qua đó, nhà tài trợ có thể đánh giá được khả năng và sự phù hợp của ứng viên. Vì chưa hiểu rõ vai trò của bài luận, nhiều bạn chỉ làm qua loa, hoặc để xảy ra một số lỗi không đáng có như viết lạc đề; sai chính tả, ngữ pháp; nội dung nhàm chán;…dẫn đến việc không xin được học bổng.
3. Trễ hạn nộp hồ sơ xin học bổng
Vì múi giờ ở Việt Nam và các nước không giống nhau, vì vậy việc gửi hồ sơ quá sát “deadline” có thể dẫn tới việc trễ hạn. Ngoài ra, số lượng học bổng cũng chỉ có giới hạn, nộp hồ sơ sớm sẽ mở ra cho bạn cơ hội nhận học bổng cao hơn những ứng viên khác có cùng năng lực với mình.
4. Trang cá nhân trên mạng xã hội “không đẹp”
Trong giai đoạn “bùng nổ” của mạng xã hội, việc đánh giá ứng viên ngoài bài luận, kết quả học tập, CV, nhà trường cũng có thể xem qua trang mạng xã hội. Cách sử dụng mạng xã hội ít nhiều phản ứng con người thật, lối sống của bạn. Do đó, nếu trang cá nhân mà bạn cung cấp cho nhà trường không nhận được cái nhìn tích cực, có khả năng bạn sẽ đánh mất cơ hội nhận học bổng.
5. Chưa tích cực trong các hoạt động ngoại khóa
Nếu như Việt Nam chú trọng học tập nhất thì tại các quốc gia phát triển, điều họ quan tâm là khả năng cân bằng cuộc sống với học tập. Những hồ sơ ứng tuyển của các ứng viên học tốt nhưng tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, tình nguyện vì cộng đồng,..sẽ được chú ý nhiều hơn là những học sinh, sinh viên chỉ chú tâm vào việc học.
Hãy xem lại kĩ 5 điều trên và cải thiện nếu bạn dự định xin học bổng để đi du học. Việc bạn cải thiện được 5 điều trên đã giúp hồ sơ bạn đẹp hơn rất nhiều ứng viên khác rồi!