Ông Kosol Prathumchart – cố vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan, người đang xử lý hơn 50 vụ tham nhũng trong bộ cho biết, các nỗ lực để nhổ tận gốc nạn tham nhũng đang tiến triển, bất chấp phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều năm nay, Chính phủ đã chi khoảng 20% ngân sách quốc gia, tương đương 4% GDP cho giáo dục. Tuy nhiên, những bài kiểm tra và xếp hạng giáo dục khác nhau đã chứng minh, số tiền này không cải thiện được chất lượng giáo dục. Các kỳ thi quốc gia và quốc tế trong những năm gần đây cho thấy, phần lớn học sinh Thái Lan đạt điểm thấp và tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Ông Kosol nói với Bangkok Post trong một cuộc phỏng vấn: “Đất nước đã cam kết chi các khoản tiền cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn quốc. Vấn đề là không phải tất cả số tiền được dùng cho các trường học và học sinh có nhu cầu. Một số tiền khổng lồ đã bị đánh cắp do tham nhũng mỗi năm”.
Nhận thấy vấn đề sâu xa này, Bộ Giáo dục Thái Lan dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Teerakiat Jareonsettasin đã tuyên bố ý định “làm sạch” bộ và hành động chống lại bất cứ ai dám đánh cắp tiền dành cho trẻ em.
Cuối năm 2016, Bộ trưởng Teerakiat đã mời Thượng tướng Kosol làm cố vấn, giúp ông ngăn chặn vấn đề tham nhũng.
Thượng tướng Kosol kể lại: “Trước đây, tôi mới gặp Bộ trưởng Teerakiat một lần khi ông ấy đến thăm anh trai ở Chiang Mai. Tôi hỏi ông ấy tại sao lại chọn tôi làm cố vấn. Ông Teerakiat ấy trả lời rằng, ông ấy cần một người có đạo đức và không khoan dung đối với tham nhũng. Và ông ấy biết tôi là người như vậy. Do đó, tôi đã chấp nhận lời mời”.
Ông Kosol cho biết, kể từ đó, ông được chỉ định làm hai công việc tại bộ. Một là ngăn chặn tham nhũng, hai là nhận kiến nghị từ các nguyên đơn và xem xét các vấn đề để cung cấp cho tư pháp.
Bộ Giáo dục cho rằng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn vì những người tham nhũng nằm trong một mạng lưới gồm các quan chức cấp cao, cấp dưới và đôi khi là các công ty tư nhân.
Thượng tướng Kosol giải thích: “Có nhiều loại tham nhũng khác nhau, nhưng hình thức chúng tôi tìm thấy nhiều nhất được gọi là “tham nhũng từ trên xuống”, trong đó, tham nhũng được thực hiện bởi các quan chức cấp cao. Ban đầu, họ có thể tạo ra các dự án không cần thiết và yêu cầu ngân sách mua thiết bị, mặc dù nhiều trường khẳng định nó không thực sự cần thiết”.
Các hiệu trưởng và giáo viên buộc phải nằm trong các mạng lưới tham nhũng này bởi sợ bị đình chỉ vì các quan chức cao cấp có thể tham gia.
“Khi phát hiện bất thường tại các cơ quan giáo dục, bộ sẽ tiến hành “điều tra từ dưới lên”, bắt đầu từ các hiệu trưởng của cơ sở giáo dục, sau đó là một số quan chức cấp cao hơn, trước khi kết thúc tại bộ” – Thượng tướng Kosol nói.
“Quá trình điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu một hoặc nhiều điều tra viên là thành phần của mạng lưới tham nhũng, họ sẽ cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, hoặc trì hoãn tiến trình càng lâu càng tốt. Nhiều vụ tham nhũng tại Bộ Giáo dục đã được điều tra trong hơn 5 năm nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận”, ông nhấn mạnh.
Để chống tham nhũng tốt hơn, thời gian gần đây, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan đã có những hướng dẫn chống tham nhũng mới, yêu cầu các cơ quan nhanh chóng có những khiếu nại liên quan đến tham nhũng.
Theo các hướng dẫn mới, khi nhận được hoặc nghe được các khiếu nại về tham nhũng, người đứng đầu một cơ quan liên quan trong vòng 7 ngày phải khởi động cuộc thăm dò và quá trình điều tra cũng phải kết thúc trong vòng 30 ngày.
Hơn nữa, nếu thông tin sơ bộ cho thấy những bằng chứng về tham nhũng, người đứng đầu cơ quan phải chuyển các quan chức bị cáo buộc tới vị trí khác. Việc chuyển giao có thể được thực hiện trong cùng một cơ quan hoặc bộ, nếu các cáo buộc vi phạm không nghiêm trọng. Các quan chức bị cáo buộc được chuyển giao đến một cơ quan khác, ít nhất là trên cơ sở tạm thời nếu là vụ việc nghiêm trọng. Ngoài ra, người đứng đầu một cơ quan thuộc Chính phủ cũng phải có biện pháp kỷ luật ngay lập tức đối với các quan chức bị tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái.
“Quy tắc này khiến công việc của tôi dễ dàng hơn trong công cuộc phá vỡ mạng lưới tham nhũng bởi nó cũng có thể bảo vệ cho người tố giác. Ngày càng có nhiều người dám đứng lên chống lại những hành vi sai trái. Rất nhiều thông tin và bằng chứng hữu ích đã được gửi trực tiếp cho tôi. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang đi đúng hướng”, Thượng tướng Kosol nói.
Ông nói thêm, kể từ tháng 3/2018, nhiều quan chức bị cáo buộc tham nhũng đã được chuyển công tác và một số đã bị sa thải khi điều tra có kết luận tham nhũng.
Ông khẳng định: “Tham nhũng trong hệ thống giáo dục và trường học là không thể chấp nhận được vì nó không chỉ là vấn đề làm giàu cho bản thân từ các khoản tiền có ích cho tổ chức cộng đồng, mà còn là một tội ác, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai của đất nước”.
Khi được hỏi ông có lo lắng tất cả nỗ lực của mình sẽ đổ sông khi Chính phủ quân sự suy yếu, Thượng tướng Kosol đáp rằng, ông nhận ra cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chạy đua, chứ không phải chạy nước rút. Ông tin là tham nhũng trong giáo dục có thể suy giảm nhanh chóng khi những người có tâm phát huy khả năng tại vị trí quản lý.
(nguồn: https://theworldnews.net)