Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan thông tin xứ sở chùa vàng có 20.000 quan chức không dạy học nhưng điều hành các trường, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 70.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin thừa nhận tình trạng bị các nước láng giềng bỏ xa.
“Chúng ta thậm chí không thể tạo ra một chiếc xe máy”, ông nói.
Người đàn ông này cho biết xứ sở chùa vàng đang cố gắng rút ngắn khoảng cách để đuổi kịp các nước láng giềng Đông Nam Á. Chiến lược của ông gồm việc đem lại quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường học và giáo viên để nâng cao tiêu chuẩn.
Giáo dục Thái Lan đang gặp thách thức lớn, dù là một trong những lĩnh vực được hỗ trợ ngân sách lớn nhất (khoảng 1/5 trong 2.730 tỷ bath tiền ngân sách hàng năm của Thái Lan).
Trong khi các nước tại châu Á như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đều có mặt trong top 10 của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), quốc gia này chỉ đứng thứ 54/70.
“Chúng ta đang cách nước bạn một khoảng cách rất xa”, ông Teerakiat thông tin. Thực tế, điểm số của sinh viên Thái trong các môn Toán, Khoa học và Văn giảm mạnh kể từ cuộc khảo sát PISA năm 2012, xuống thấp hơn mức trung bình quốc tế.
“Chúng ta làm gì cũng không mang lại kết quả”, ông đề cập các nỗ lực cải cách trong quá khứ.
Học vẹt
Theo Anip Sharma – Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực giáo dục toàn cầu của Parthenon-EY – mức độ số hóa và sự thâm nhập của Internet đã khiến Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty công nghệ thông tin.
“Song, đây không phải là nơi tuyệt vời để phát triển sản phẩm”, ông nhận định. Một trong những vấn đề lớn nhất là trình độ tiếng Anh, kỹ năng quan trọng khi thực hiện chuyển đổi trong thời đại kỹ thuật số, chưa đủ đáp ứng.
Bên cạnh đó, nhà phát triển phần mềm người Thái Panutat Tejasen tiết lộ hầu hết sinh viên tốt nghiệp bằng cách học vẹt. Họ thiếu tư duy phản biện cần thiết để phát triển những giải pháp phần mềm sáng tạo.
“Công ty của tôi trả tiền cho những người mới chỉ để họ học cách viết những chương trình phần mềm có thể sử dụng trước khi họ bắt đầu làm việc và tạo ra lợi nhuận cho công ty”, ông phàn nàn.
Doanh nghiệp của Tejasen (Art and Technology) đã thuê hơn 200 nhà thiết kế phần mềm và “mất trung bình 6 tháng lương cho mỗi nhân viên mới, những người chưa mang lại lợi ích cho công ty”.
Việt Nam tốt hơn?
Sharma của Parthenon – EY chỉ ra rằng dù nghèo hơn, những quốc gia láng giềng như Việt Nam đang làm tốt hơn Thái Lan trong việc khuyến khích tư duy mới. Lịch sử chính trị không ổn định của Thái Lan bất lợi cho việc khuyến khích cải cách hệ thống giáo dục.
“Chúng ta có 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường” – Bộ trưởng Giáo dục Teerakiat nói – “Trong khi đó, tại Việt Nam, con số này chỉ là 70”.
Ông cũng chỉ ra tham nhũng cũng là vấn đề cần được giải quyết.
“Nếu giống các chính trị gia trước đây, tôi sẽ là người đàn ông giàu nhất trong tháng này”, ông nói.
Teerakiat cho hay bộ trưởng giáo dục có quyền quyết định đối với hơn 4 tỷ bath trong vốn ngân sách giáo dục chưa được chi tiêu.
Ông thông tin một chiến lược từ dưới lên, thứ cho phép các trường có quyền tự quyết nhiều hơn. Nguyên tắc tương tự nên áp dụng trong quá trình đào tạo giáo viên. Quy trình cũ để lại hậu quả là những giáo viên tha hóa phẩm chất.
Ông Teerakiat còn công bố một hệ thống học trình mới vào đầu tháng này, cho phép các trường đại học và cao đẳng có thể áp dụng những chương trình riêng và giáo viên tiềm năng có thể tự do lựa chọn lĩnh vực họ muốn được đào tạo.
Đồng thời, bộ trưởng cũng yêu cầu đưa ra kế hoạch thành lập bộ mới – Bộ Giáo dục Đại học.
“Thông thường, website đào tạo giáo viên chỉ có một hoặc hai lượt truy cập. Tuy nhiên, chỉ riêng ngày 11/7, trang này đón tới 28,8 triệu lượt truy cập. Thật ngạc nhiên khi bạn áp dụng và điều khiển được cơ chế thị trường, từ bỏ cơ chế kế hoạch tập trung, sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên, mọi thứ sẽ hoạt động một cách thật tuyệt vời. Điều này chưa bao giờ xảy ra ở Thái Lan”, ông Teerakiat nói.
(Nguồn: news.zing.vn)