Thấy trời mưa không ngớt, linh cảm mách bảo quả đồi lớn sau khu dân cư có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, anh Chứ đã cử người đi nắm tình hình và quyết định di tản 115 người dân lên núi lánh nạn.
Quyết định di tản “thần tốc”
Sáng 9/9, thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) trời mưa không ngớt. Anh Vàng Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, rất sốt ruột vì xung quanh thôn làng có rất nhiều quả đồi đang “no nước”, có thể bị sạt lở, đổ sập xuống nhà dân bất cứ lúc nào.
“Mưa suốt từ đêm tới sáng, tôi lo lắm. 8h cùng ngày, tôi gọi anh em đi lên đồi để kiểm tra tình hình sạt lở và tìm một quả đồi hoặc núi có vị trí cao, bằng phẳng tính dần phương án di tản bà con. Tới 8h30, mọi người báo rằng sẽ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tôi bốc máy gọi ra xã để báo cáo nhưng điện thoại hoàn toàn mất sóng, không thể liên lạc.
Tới 9h, lúc này mưa vẫn không ngừng trút xuống thôn, tôi liền quyết định di tản toàn bộ 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên một quả núi cách thôn 1km. Việc di tản diễn ra nhanh nhất có thể, mọi người trong thôn trước đó cũng đã được chính quyền thông báo về việc này”, anh Chứ nói với phóng viên Dân trí vào tối 12/9, khi vẫn cùng người dân trong thôn lánh nạn trên núi.
Ngay trong sáng 9/9, toàn bộ 17 hộ dân với 115 nhân khẩu của thôn Kho Vàng dưới sự chỉ huy của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ, đã di tản lên một quả núi cách khu dân cư 1km.
Tại đây, Trưởng thôn Chứ cùng thanh niên trong thôn dựng 14 chiếc lán, được che chắn bằng bạt, đóng cọc bằng tre trên sườn núi bằng phẳng. Phụ nữ, trẻ em làm nhiệm vụ dọn dẹp nơi ở, chuẩn bị đồ ăn, thức uống để bà con lánh nạn qua đêm.
Anh Chứ cũng cho biết, phía dưới khu dân cư anh ở khoảng 4km, là một khu dân cư khác cùng thôn. Tuy nhiên khu dân cư này lại nằm sát bờ sông Chảy, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, điện thoại lại không có sóng, nên anh không thể tiếp cận và thông báo về kế hoạch di dời của mình cho bà con.
“Tới ngày 10/9, nước lũ đổ về gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy rồi tràn vào khu dân cư phía dưới làm 3 người mất tích, 3 người bị thương, lũ cuốn trôi hoàn toàn 7 ngôi nhà. Điều này quá đau xót”, anh Chứ chia sẻ.
Vị trưởng thôn 33 tuổi cho biết, cũng may trước khi xảy ra sạt lở một ngày, 115 người trong thôn của anh đã kịp sơ tán lên núi, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
“Cứ tưởng cả thôn đã mất tích”
Ngày 10/9, chính quyền xã Cốc Lầu nhận được thông tin thôn Kho Vàng xảy ra sạt lở khiến nhiều người mất tích, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu tìm mọi cách để liên hệ với trưởng thôn Kho Vàng nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.
Do đường đi sạt lở nghiêm trọng, địa điểm thôn Kho Vàng bị cô lập, tới trưa 11/9, chính quyền địa phương vượt 15km và đã tìm thấy 17 hộ với 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) ở trên núi cách thôn 1km.
Sau khi tìm được người dân, trưa 11/9, chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, hướng dẫn nhân dân phương án phòng, chống thiên tai.
Nói về thông tin “cả thôn bị mất tích”, Trưởng thôn Vàng Seo Chứ chia sẻ, sau khi cán bộ công an xã và chính quyền tìm được người dân của thôn, họ mừng rỡ và nói rằng, mọi người cứ tưởng cả thôn đã bị lũ cuốn sạt lở mất tích rồi.
“Mọi người khi đó ai cũng mừng rỡ. Sau khi tiếp nhận nhu yếu phẩm, chúng tôi được lệnh vẫn tiếp tục cho người dân tạm ổn định, lánh nạn tại khu vực núi cao, sau đó chính quyền mới có phương án mới để có thể đưa người dân trở về nhà”, anh Chứ nói và cho biết, lượng lương thực vẫn đủ cho bà con lánh nạn trong vòng 2 tuần.
Chủ tịch xã không ngờ tới quyết định táo bạo của trưởng thôn
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) cho biết, bản thân ông cũng rất bất ngờ với quyết định sơ tán 115 người dân lên núi lánh nạn của anh Chứ.
“Ban đầu anh em tưởng người dân vẫn ở trong nhà, hoặc có biện pháp nào khác, chứ không ngờ tới việc anh Chứ đưa toàn bộ 115 người lên núi lánh nạn như vậy. Quả thực là một quyết định táo bạo”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ về Trưởng thôn Vàng Seo Chứ, Chủ tịch xã Cốc Lầu cho biết, anh Chứ là một người nhanh nhạy và rất sáng tạo. Ở địa phương anh Chứ đã lập gia đình và có nhiều kinh nghiệm về đồi núi.
“Vì mới được bầu làm trưởng thôn, nên có lẽ đây là lần đầu anh ấy chỉ dẫn người dân đưa ra một phương án phòng chống lũ lụt bất ngờ như vậy, nhưng rất hiệu quả và an toàn”, ông Tuấn chia sẻ thêm.