Cuối tuần qua, tại Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra sự kiện ký kết của công ty LinaNetwork Việt Nam với 8 doanh nghiệp Thái Lan trong đó có 3 tập đoàn lớn về ứng dụng công nghệ Blockchain vào quá trình sản xuất. Lễ ký kết có sự tham gia của nguyên Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejajiva. Phóng viên NCĐT đã có dịp trao đổi với ông về những vấn đề ứng dụng Blockchain tại các doanh nghiệp Thái Lan thời gian tới.
*Thưa ông, được biết Thái Lan là nước rất mạnh về nông nghiệp nhưng mới khởi đầu trong việc áp dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực này. Ông kỳ vọng gì ở công nghệ blockchain cho cho các doanh nghiệp nông nghiệp Thái?
Blockchain về cơ bản sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu và cải thiện đáng kể khả năng của các công ty và cá nhân trong việc theo dõi sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện, tại Thái Lan, ứng dụng blockchain trong nông nghiệp vẫn còn là rất mới và hầu như chưa có. Đến nay, tại Thái Lan chưa có công ty nào làm về blockchain nông nghiệp.
Nhưng tôi tin rằng, công nghệ blockchain sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Thái tiết kiệm được khoản tài chính lớn từ chi phí hoạt động, chi phí quảng cáo, đồng thời giúp kết nối trực tiếp với khách hàng tốt hơn.
Hiện, doanh nghiệp Thái Lan đang quan tâm đến blockchain. Hầu hết các chính sách của Chính phủ Thái đều rất mở, hướng đến việc sử dụng blockchain để giúp doanh nghiệp ngành nông nghiệp phát triển hơn và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Việc áp dụng công nghệ blockchain được kỳ vọng phát triển rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan, nhờ khả năng chuyển giao các tài sản có giá trị với độ tin cậy, tính minh bạch và bảo mật.
*Trong thời gian tới, Thái Lan sẽ có ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực nào khác, thưa ông?
Thật ra, lĩnh vực ngân hàng Thái Lan đã ứng dụng blockchain. 14 ngân hàng Thái Lan đã hợp tác để thành lập Sáng kiến Cộng đồng blockchain của Thái Lan với mục đích số hóa các thư bảo lãnh trên nền tảng blockchain vào tháng 3 vừa qua. Động thái này cho thấy Thái Lan cùng các nước khác trong khu vực đang rất quan tâm đến công nghệ blockchain. Thời gian tới, tôi nghĩ sẽ có nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng về blockchain: y tế, giáo dục và du lịch.
Bởi hiện tại, doanh nghiệp Thái đang rất cần đổi mới quy trình sản xuất của mình để theo kịp công nghệ. Tôi nghĩ khi ứng dụng công nghệ blockchain vào quy trình sản xuất của công ty trở nên chuẩn hóa, họ tốn ít chi phí cho marketing, quảng cáo hơn…dẫn đến giá thành sản phẩm giảm và đó là lợi thế để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
*Tập đoàn AIM THAI, chuyên về trái cây sấy hàng đầu tại Thái Lan, sẽ ứng dụng công nghệ blockchain của LinaNetwork, một công ty Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc hợp tác này?
Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đang rất phát triển, có thể nói năng động có tiếng trong khu vực Đông Nam Á.
Người Thái Lan rất cởi mở và thân thiện, những sản phẩm của các doanh nghiệp tại đây làm ra đều có uy tín trên toàn cầu và đặc biệt các lĩnh vực thực phẩm, dược hay nông nghiệp của Thái Lan đang mạnh nhất trong khu vực. Việc một tập đoàn lớn của Thái Lan chọn công ty về blockchain của Việt Nam để hợp tác tôi nghĩ không có gì bất ngờ cả. Sự hợp tác hoàn toàn có lợi. Việt Nam chọn được đối tác có tiếng, chúng tôi chọn được đối tác tin cậy, uy tín.
Ngoài các tập đoàn lớn của Thái Lan, trường Đại học hàng đầu của Thái Lan Mahidol, cùng Đại học Stanford thành lập Blockchain Labs để nghiên cứu và phát triển các mảng ứng dụng Blockchain, Big data, AI, cung cấp nguồn nhân lực cho các tập đoàn tại Thái cũng sẽ ký kết ứng dụng blockchain trong thời gian tới.
Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
(Nguồn: http://www.nhipcaudautu.vn)